Thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng 50% trong năm 2023

2 tháng trước

6289 lượt xem

Tính đến cuối năm 2023, thanh toán không dùng tiền mặt đạt khoảng 11 tỷ giao dịch, tăng gần 50% so với năm 2022. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 200 triệu tỷ đồng…

Thông tin trên được ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, chia sẻ tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2024.

THANH TOÁN QR CODE CHIẾM THẾ THƯỢNG PHONG

Trong đó, thanh toán qua kênh internet đạt gần 2 tỷ giao dịch, với giá trị đạt trên 52 triệu tỷ đồng (tăng hơn 56 % về số lượng và 5,8% về giá trị so với năm 2022); qua kênh điện thoại di động đạt hơn 7 tỷ giao dịch với giá trị đạt hơn 49 triệu tỷ đồng (tăng hơn 61% về số lượng và gần 12% về giá trị); qua phương thức QR code đạt gần 183 triệu giao dịch, với giá trị đạt hơn 116 nghìn tỷ đồng (tăng gần 172 % về số lượng và hơn 74% về giá trị so với năm trước).

Giá trị giao dịch qua ATM khoảng 2,6 triệu tỷ đồng, giảm hơn 9% so với 2022.

Việc mở tài khoản trực tuyến được triển khai từ cuối tháng 3/2021, đến nay, gần 27 triệu tài khoản thanh toán được mở bằng phương thức điện tử (eKYC) đang hoạt động và 12,9 triệu thẻ đang lưu hành phát hành bằng eKYC.

Mạng lưới ATM, POS được phủ sóng đến tất cả các tỉnh, thành trên cả nước, đến cuối tháng 11/2023, toàn thị trường có 21.014 máy ATM và 513.550 máy POS (tăng tương ứng 0,6% và 26,89% so với cùng kỳ năm 2022).

Tính đến cuối tháng 12/2023, Ngân hàng Nhà nước đã cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho 51 tổ chức không phải là ngân hàng cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trên thị trường. Trong đó, dịch vụ chuyển mạch tài chính và dịch vụ bù trừ điện tử: 1 tổ chức, dịch vụ cổng thanh toán điện tử; 49 tổ chức, dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ; 49 tổ chức, dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử; 14 tổ chức và dịch vụ ví điện tử.

Đến cuối năm 2023, số lượng ví điện tử đang hoạt động là 36,23 triệu ví (chiếm 63,23% trong tổng số gần 57,31 triệu ví điện tử đã được kích hoạt), với tổng số tiền trên các ví này là khoảng 2,96 nghìn tỷ đồng.

Sau 2 năm thí điểm, Mobile Money đã có mức tăng trưởng tốt. Tại thời điểm cuối năm 2023, số lượng tài khoản đăng ký gần 6 triệu, trong đó gần 70% là tài khoản đăng ký ở vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo; tổng số lượng giao dịch khoảng 47 triệu, tổng giá trị giao dịch trên 2,4 nghìn tỷ đồng.

Ba doanh nghiệp tham gia thí điểm Mobile Money (Viettel, VNPT, MobiFone) đã mở được 11.700 điểm kinh doanh; hơn 195.000 đơn vị chấp nhận thanh toán, tạo điều kiện để người yếu thế, ở vùng sâu vùng xa tiếp cận các dịch vụ tài chính.

Ngày 18/11/2023, Chính phủ đã quyết định gia hạn thời gian thí điểm Mobile Money đến 31/12/2024 theo Nghị quyết số 192/NQ-CP. Trong đó, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về dịch vụ này trước tháng 5/2024.

Để đảm bảo an toàn trong công tác thanh toán trực tuyến, ông Phạm Anh Tuấn cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã ký kết với Bộ Công an tại Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06). Nhiều nội dung quan trọng đã được triển khai trong năm 2023 như phối hợp làm sạch dữ liệu của những người mở tài khoản thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; nghiên cứu, khai thác, sử dụng dữ liệu thông tin thông qua căn cước công dân gắn chip; nghiên cứu để sử dụng số định danh VNeID trong việc mở và sử dụng các dịch vụ từ ngân hàng.

Vụ trưởng Vụ Thanh toán thông tin đến cuối năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Cục C06 - Bộ Công an làm sạch trên 42 triệu hồ sơ khách hàng liên quan đến cơ sở thông tin tín dụng CIC. 53 tổ chức tín dụng đã phối hợp với các doanh nghiệp do bộ Công an cấp phép để nghiên cứu, phối hợp đưa các giải pháp, thiết bị để xác thực người dùng bằng thẻ Căn cước công dân gắn chip. 43 tổ chức tín dụng đã và đang triển khai kế hoạch làm sạch dữ liệu thông qua sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

z5035012199350_ee2afa604dbb0e02014d433cfbdd0202.jpg

KHÔNG CẦN XÁC THỰC SINH TRẮC HỌC KHI GIAO DỊCH THANH TOÁN

Đi cùng với tốc độ tăng trưởng trong thanh toán không dùng tiền mặt nói trên là áp lực phòng ngừa gian lận trong giao dịch trực tuyến.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, tình trạng tài khoản ngân hàng, ví điện tử không chính chủ đang diễn biến phức tạp. Các ngân hàng thương mại ghi nhận tình trạng xuất hiện các trường hợp mua bán, thuê mượn tài khoản cho các đối tượng lừa đảo. Trong bối cảnh lừa đảo công nghệ cao ngày càng phức tạp, nhiều người dân không ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Một trong những giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước đưa ra là buộc xác thực sinh trắc học để xác định tài khoản chính chủ khi thực hiện giao dịch chuyển tiền, được quy định tại Quyết định 2345/QĐ-NHNN.

Theo Quyết định 2345, giao dịch chuyển tiền ngân hàng (khác chủ tài khoản) hoặc nộp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị giao dịch chuyển tiền, thanh toán trong ngày vượt quá 20 triệu đồng phải được xác thực bằng sinh trắc học (có thể dùng Căn cước công dân gắn chip, tài khoản VneID hoặc dữ liệu sinh trắc học lưu trong cơ sở dữ liệu của ngân hàng). 

Quy định xác thực sinh trắc học chỉ áp dụng với các giao dịch chuyển tiền mà không áp dụng với các giao dịch thanh toán. Tất cả các giao dịch thanh toán đối với các đơn vị chấp nhận thanh toán, các điểm mua hàng do các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán đã xác thực thì không yêu cầu bên thanh toán phải xác thực sinh trắc học.

Theo Ngân hàng Nhà nước, công nghệ này được đánh giá là hạn chế tối đa khả năng làm giả và có tính bảo mật cao nhất.

Liên quan đến vấn đề này, một số tổ chức tín dụng lo ngại sẽ gặp khó khăn trong việc đầu tư công nghệ, hay đồng bộ cơ sở dữ liệu. Tuy nhiên, phía Ngân hàng Nhà nước cho rằng mục tiêu cao nhất của quy định trên là bảo vệ an toàn tài sản cho người sử dụng dịch vụ ngân hàng, do đó các tổ chức tín dụng phải phát huy trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ khách hàng. Hơn nữa, Quyết định 2345 quy định từ ngày 1/7/2024 mới đưa vào áp dụng, các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt là từ ngày 01/01/2025, do đó đã đủ thời gian cho các tổ chức tín dụng nghiên cứu, trang bị, mua sắm.

Lãnh đạo Vụ Thanh toán giải thích rõ, quy định trên chỉ áp dụng với các giao dịch chuyển tiền mà không áp dụng với các giao dịch thanh toán. Tất cả các giao dịch thanh toán đối với các đơn vị chấp nhận thanh toán, các điểm mua hàng do các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán đã xác thực thì không yêu cầu bên thanh toán phải xác thực sinh trắc học.

“Ví dụ thanh toán tiền điện hàng trăm triệu, phí giao thông, nộp thuế, bảo hiểm… hàng trăm triệu, có điểm đến rõ ràng thì không yêu cầu xác thực sinh trắc học. Nhưng trường hợp chuyển tiền từ người A qua người B thì trên 10 triệu phải xác thực sinh trắc học thể hiện tôi là chủ tài khoản, tôi chuyển khoản tiền đó”, ông Tuấn giải thích.

Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết trong trường hợp chuyển khoản dưới 10 triệu đồng/lần và tổng số dư chuyển tiền dưới 20 triệu/ngày thì không yêu cầu xác thực sinh trắc học. Nếu vượt 20 triệu đồng/ngày thì giao dịch tiếp theo sẽ yêu cầu xác thực sinh trắc học.

Nguồn: https://vneconomy.vn/

TIN LIÊN QUAN

19 ngày trước

259 lượt xem

CẢNH BÁO ỨNG DỤNG, WEBSITE GIẢ MẠO TỔ CHỨC TÍN DỤNG

Kính gửi Quý Đối tác/Khách hàng, Baokim nhận được Công văn số 464/CNTT8 (“Công văn số 464”) ngày 20/3/2024 của Cục Công nghệ thông tin – Ngân hàng Nhà nước Về việc cảnh báo xuất hiện ứng dụng, website giả mạo tổ chức tín dụng. Để việc thanh toán được an toàn, bảo mật, Baokim xin gửi tới Quý Đối tác/Khách hàng một số lưu ý sau: 1. Lưu ý về Kênh hỗ trợ chính thống từ Baokim Hiện tại, có nhiều nguy cơ, rủi ro kẻ xấu giả mạo nhân viên Baokim hoặc tổ chức tín dụng đang hợp tác với Baokim để tiếp cận, hướng dẫn, yêu cầu người dùng truy cập website giả mạo, cài đặt ứng dụng giả mạo, độc hại với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tiền, đánh cắp thông tin. Baokim khẳng định đang sử dụng các kênh thông tin chính thống sau: Website: www.baokim.vn; www.plus.baokim.vn. Email Chăm sóc khách hàng: hotrokhachhang@baokim.vn Số hotline Chăm sóc khách hàng: 024.710.78.999 Fanpage: https://www.facebook.com/baokim.thanhtoangiandon Youtube: https://www.youtube.com/@baokim7982 Zalo OA: https://zalo.me/1652197114213727558 Ngoài các kênh chính thống này, Baokim không có bất kỳ một kênh truyền thông thông tin nào khác. 2. Baokim khuyến cáo Quý Đối tác/Khách hàng nên kiểm chứng thông tin, chính sách qua các kênh chính thống, ví dụ: gọi xác minh với Tổng đài hỗ trợ được công bố chính thức của Baokim khi Quý Đối tác/Khách hàng nhận được thư hoặc thông báo lạ. Baokim khuyến nghị Quý Đối tác/Khách hàng kiểm chứng thông tin về website tại dịch vụ Danh sách Website giả mạo/đen của Bộ Thông tin và Truyền thông. 3. Quý Đối tác/Khách hàng nên xem xét không thực hiện việc gửi thông tin có kèm các đường link qua các kênh thông tin ngoài ứng dụng giao dịch chính thống (như qua thư điện tử, tin nhắn SMS,…), đồng thời Quý Đối tác/Khách hàng không bấm, truy cập website/link hoặc cài đặt ứng dụng bất thường, nghi ngờ. 4. Trong trường hợp Quý Đối tác/Khách hàng bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, Quý Đối tác/Khách hàng nên trình báo cơ quan chức năng của Bộ Công an để nhận được sự hỗ trợ, tiến hành thủ tục điều tra, khắc phục hậu quả (nếu có). Trân trọng, Baokim

15 ngày trước

553 lượt xem

Chúc mừng Đối tác của Baokim - Viettel Post chính thức niêm yết trên sàn HOSE

Ngày 12/03/2024, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) tổ chức Lễ trao quyết định niêm yết, chính thức đưa 121.783.042 cổ phiếu của Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Mã Ck: VTP) vào giao dịch. Viettel Post chính thức niêm yết trên sàn HOSE Theo đó, tổng giá trị chứng khoán niêm yết của Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel là 1.217.830.420.000 đồng, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 65.400 đồng/cổ phiếu, biên độ giao động giá +/-20%. Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) có vốn điều lệ là 1.218 tỷ đồng và là đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel). Sau 27 năm thành lập, Viettel Post đã hình thành hệ sinh thái logistics dựa trên nền tảng hạ tầng hiện đại, công nghệ cao, cung cấp đầy đủ dịch: chuyển phát, supply chain (kho, vận tải vận chuyển, forwarding…), thương mại điện tử xuyên biên giới… đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics cho các khách hàng doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước. Năm 2023, Viettel Post đạt doanh thu 19.590 tỷ đồng, tăng trưởng 29%, cao nhất trong 5 năm qua, trong đó, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 380 tỷ đồng, tăng 48% so với năm 2022. Kế hoạch 2024, Viettel Post đặt mục tiêu doanh thu 13.847 tỷ đồng, mục tiêu lợi nhuận sau thuế 384 tỷ đồng. Hiện, Baokim đang giúp Viettel Post tự động hóa thu các đơn hàng thương mại điện tử bằng mã QR với khối lượng giá trị giao dịch tới hơn 2000 tỷ/tháng. Việc sử dụng giải pháp Thu hộ bằng mã QR của Baokim Plus giúp Viettel Post tối ưu được luồng vận hành nội bộ do dòng tiền được tự động hóa trên hệ thống, đối soát tự động trên hệ thống, thông báo tự động cho shipper để xác nhận đã hoàn thành giao đơn hàng, và tự động trả tiền về cho Viettel Post luôn tại thời điểm đó (Realtime). Đồng thời, giảm tối đa thời gian, sức lực của hàng trăm nghìn shipper đang ngày đêm chuyển hàng khắp Việt Nam. Mô hình thu tiền thành công này của Viettel Post đã mở ra một con đường mới về tự động hóa nghiệp vụ thu tiền cho các nhà vận chuyển tại Việt Nam. Theo: https://thoibaotaichinhvietnam.vn